Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2019

1 triệu quả cam Vinh được truy xuất nguồn gốc, chiếm lĩnh niềm tin người tiêu dùng 

Không riêng gì thương hiệu cam Vinh nức tiếng, nhiều sản phẩm nông sản tiêu biểu khác trên địa bàn tỉnh Nghệ An sau khi được “khoác lên mình” chiếc tem điện tử truy xuất nguồn gốc cũng sớm mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội, doanh thu tăng 20 - 30%.
Vào cuộc quyết liệt
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An tập trung công tác tuyên truyền, kiểm tra chặt chẽ tình hình VSATTP trên địa bàn. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị chuyên ngành phối hợp cùng các địa phương thực hiện nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC), đáp ứng đầy đủ các quy chuẩn đặt ra.
 Nhiều sản phẩm sau khi dán tem truy xuất nguồn gốc chiếm được niềm tin của người tiêu dùng
Quá trình thực hiện, phía Sở NN-PTNT đã hoàn thành tốt vai trò tham mưu nhằm ban hành các văn bản chỉ đạo về quản lý chất lượng VTNN và ATTP nông lâm thủy sản (Quyết định số 03/2018/QĐ-UBND ngày 10/01/2018 về Quản lý thuốc BVTV thay thế Quyết định số 37/2013/QĐ-UBND ngày 17/7/2013; Quyết định số 227/QĐ-UBND ngày 19/01/2018 về việc phê duyệt Kế hoạch phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2018; Quyết định số 1345/QĐ-UBND ngày 11/4/2018 về ban hành Kế hoạch hành động đảm ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2018).
Ngoài ra, Sở NN-PTNT còn trực tiếp ban hành các văn bản có yếu tố then chốt làm tiền đề, điển hình như Kế hoạch 134/KH-SNN-QLCL về đảm bảo ATTP dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và mùa Lễ hội Xuân 2018; Quyết định số 14/QĐ-SNN-CCTS về việc thành lập đoàn kiểm tra điều kiện sản xuất kinh doanh, điều kiện vệ sinh thú y thủy sản và chất lượng đàn tôm bố mẹ đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản mặn, lợ.
Qua theo dõi thực tế, kết quả đạt được trong 10 tháng đầu năm cho thấy nhiều tín hiệu khởi sắc. Trong khoảng thời gian trên, đơn vị chuyên ngành đã tổ chức gần 200 lớp tập huấn về quản lý chất lượng VTNN, ATTP nông lâm thủy sản cho 7.281 lượt học viên, nhờ đó mọi người đã nâng cao đáng kể nhận thức, hiểu biết về lĩnh vực vực này.
Đối với công tác kiểm tra định kỳ, đoàn đã tiến hành xếp loại 495 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, qua các bước rà soát, đánh giá tỉ mẩn có 246 đơn vị được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, ngoài ra có trên 1.300 trường hợp khác được cấp giấy xác nhận kiến thức an toàn.
 Bà Thái Thị Hồng Liên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, khẳng định việc dán tem truy xuất  nguồn gốc mang lại nhiều khác biệt
Trong năm nay Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nghệ An tiến hành cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho 67 cơ sở, công bố hợp quy 6 sản phẩm, công bố phù hợp quy định ATTP 20 sản phẩm. Từ tháng 1/2018 - 9/2018, đơn vị đã đấu mối với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh thu thập các mẫu thực phẩm (thịt lợn quay, chả thịt lợn xay, nước giải khát...) để tiến hành kiểm nghiệm các chỉ tiêu về hóa học và vi sinh, kết quả có 705/760 mẫu đạt, chiếm gần 93%.
Ông Nguyễn Văn Hà, Chi cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Nghệ An khẳng định: “Năm 2018 nhiệm vụ kiểm tra đánh giá, phân loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh theo Thông tư 45/2014/TT-BNNPTNT được tiến hành thường xuyên, liên tục. Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh VTNN, sản phẩm nông lâm thủy sản và người nông dân có nhiều chuyển biến tích cực về nhận thức, đa phần đã tự giác chấp hành các quy định của pháp luật.
Quá trình thanh tra, kiểm tra đã kịp thời phát hiện, xử lý kịp thời một số trường hợp vi phạm. Qua đó hạn chế thấy rõ tình trạng lưu thông, buôn bán các sản phẩm không đảm bảo chất lượng trên thị trường”.
Ông Hà cũng nhấn mạnh thêm, ngành nông nghiệp cũng tập trung đẩy mạnh xây dựng các mô hình ứng dụng quy trình VietGAP, nhân rộng các chuỗi cung ứng để tạo ra các sản phẩm nông lâm thủy sản chất lượng cung cấp cho thị trường.  
Hiệu ứng dây chuyền
Năm 2018 UBND tỉnh không ban hành chính sách hỗ trợ nên Hội cam Vinh đã chủ động tổ chức cho các đơn vị, cá nhân sản xuất, kinh doanh đăng ký in, dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc với các sản phẩm nằm trong chỉ dẫn địa lý, đảm bảo ATTP, sản xuất theo quy trình VietGAP
Theo Chi cục Đo lường chất lượng tỉnh Nghệ An, hiện trên địa bàn có 10 đơn vị thực hiện đăng ký in tem truy xuất nguồn gốc cam Vinh (Cty Nông công nghiệp 3/2; Cty TNHH MTV Sông Con; Cty Nông nghiệp CNC Phủ Quỳ; Cty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành; HTX Nông nghiệp cây ăn quả 1/5; HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ cây ăn quả Xuân Hợp; HTX sản xuất kinh doanh cam Phùng Huyền; HTX Dịch vụ tổng hợp Tấn Thanh; Công ty TNHH nông nghiệp CNC Phương Thảo và Công ty CP trang trại nông sản Phủ Quỳ). Dự kiến 1 triệu quả cam sẽ được khoác lên mình “chiếc áo mới”, tăng gấp đôi so với cùng kỳ.
Chỉ sau 1 năm ngắn ngủi áp dụng, việc dán tem truy xuất sản phẩm nhanh chóng giúp thương hiệu cam Vinh ngày càng bay cao, và khi niềm tin của người tiêu dùng được củng cố thì hiệu quả kinh tế nâng lên là điều tất yếu. Qua nắm bắt tình hình thực tế, nhìn chung các đơn vị sản xuất đạt mức doanh thu ấn tượng, tăng thêm 20 - 30% so với trước, bài toán đầu ra nhìn chung đã tìm được lời giải đáp.


Thương hiệu cam Vinh ngày càng bay cao
“Cuộc cách mạng” cam Vinh nhanh chóng tạo nên hiệu ứng dây chuyền trên diện rộng, tính đến thời điểm hiện tại tỉnh Nghệ An có khoảng 30 sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được dán tem truy xuất nguồn gốc sau khi vượt qua các quy định gắt gao về VSATTP.
“Trước đây người tiêu dùng như lạc vào mê hồn trận, chúng tôi vô cùng hoang mang không thể phân biệt nổi thực phẩm an toàn so với thực phẩm kém chất lượng, việc lựa chọn chủ yếu xuất phát từ cảm tính. Nay nhờ in tem điện tử truy xuất, chỉ thông qua phần mềm trên điện thoại là biết được chi tiết thông tin mặt hàng, đây thực sự là bước chuyển hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay”, chị Nguyễn Thị Hà, trú phường Hưng Dũng, TP Vinh bày tỏ quan điểm.
Bà Thái Thị Hồng Liên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng xác nhận, sau khi tiến hành đăng ký, dán tem truy xuất nguồn gốc nhiều sản phẩm (cam Vinh, tương Nam Đàn, nước mắm Vạn Phần, gà Thanh Chương, nước mắm thủy sản Nghệ An…) đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường, hiệu quả kinh doanh cải thiện rõ rệt so với trước kia. Ở chiều ngược lại, việc sử dụng logo và hệ thống nhận diện thương hiệu được bảo hộ độc quyền là giải pháp tối ưu giúp người tiêu dùng nhận biết rõ nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm, đây là yếu tố then chốt.
Nhằm mục đích giới thiệu, quảng bá các sản phẩm NNƯDCNC, các sản phẩm nông nghiệp an toàn đạt tiêu chuẩn phục vụ xuất khẩu cũng như đáp ứng thị trường nội địa. Từ ngày 28/11 đến hết ngày 2/12, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (AGRITRADE) sẽ phối hợp với Sở NN-PTNT và Liên minh HTX tỉnh tổ chức “Hội chợ nông nghiệp công nghệ cao, nông sản an toàn các tỉnh miền Trung và sản phẩm xanh khu vực HTX, làng nghề tỉnh Nghệ An năm 2018”.
Theo ông Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An: “Khoảng 200 gian hàng, trọng tâm là các sản phẩm liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp sẽ được giới thiệu đến người tiêu dùng. Đây là dịp để tuyên truyền, quảng bá sâu rộng các mặt hàng nông lâm thủy sản, thực phẩm hợp quy. Hội chợ cũng là cơ hội tốt để các DN nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của khách hàng, từ đó có phương án cải tiến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời đẩy nhanh năng lực cạnh tranh trên thị trường”.
Trung tâm giám định và chứng nhận hợp chuẩn hợp quy Vietcert

Đà Nẵng: 28 An xuân, Thanh Khê, Đà Nẵng
Hà Nội: 114 Trung Kính, Cầu Giấy, Hà Nội
Hồ Chí Minh: 102 Nguyễn Xí, Bình Thạnh, Hồ Chí Minh
Đăk Lăk : 12 Trần Nhật Duật, thành phố Buôn Mê Thuột
Cần Thơ: Khu Chung cư Hưng Phú 1, Đường A1, Cái Răng, Cần Thơ
Hải Phòng: Tòa nhà Thành Đạt, Thành phố Hải Phòng
Mr. Huyền: 0903 516 929 - 0961997338
Mail: vietcert.kinhdoanh60@gmail.com

Thứ Tư, 2 tháng 1, 2019

Thâm canh nhãn theo quy trình VietGAP

Trong quá trình cây nhãn mang quả, tuyệt đối không sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật. Để không chế sâu bệnh hại, khi cây nhãn lộ quả non bằng hạt đậu tương, phun chế phẩm Nano bạc định kỳ 15 ngày/lần.

1. Thời vụ trồng
Đồng bằng sông Hồng: Trồng tháng 2 - 4 và tháng 8 - 10.
Trung du miền núi phía Bắc: Trồng tháng 4 - 6.
2. Chọn giống
Nên trồng giống nhãn T6 - giống có cùi quả dày, thơm, ngọt, bóc ráo tay, ăn có dư vị, sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao.
Ngoài ra, ở Hưng Yên đang duy trì được hơn 30 cây nhãn đầu dòng có chất lượng tương đương, nhà vườn có thể liên hệ để có cây giống nhân ra từ số nhãn đầu dòng này.
3. Kỹ thuật trồng 
Do bộ rễ nhãn hút dinh dưỡng thông qua hệ nấm háo khí hoạt động ở vùng rễ. Nên cần vun đất hình nấm cao (thoáng khí) để trồng cây con.
Nấm đất cao 30 - 40cm, rộng 50 - 60cm. Trồng 12 cây/sào Bắc bộ. Khoảng cách 6 x 5m/cây.
Cây giống ở vườn ươm đưa ra ruộng trồng cần xếp nơi thoáng mát 1 - 2 ngày. Chờ cho các đầu rễ cây thâm lại mới tiến hành trồng, tránh bị thồi rễ, ảnh hưởng đến sinh trưởng.
Phân lót/cây: 15 - 20kg phân chuồng hoai + 0,3 kg NPK Đầu trâu 13-13-13+TE (không để rễ cây tiếp xúc trực tiếp với phân lót khi trồng).
4. Chăm sóc nhãn thời kỳ cây con
Bón phân khi cây bén rễ hồi xanh: 0,2kg đạm urê + chế phẩm siêu lân pha loãng tưới gốc/12 cây.
Cây ra lộc dài 5 - 10cm, phun bón lá Atonik (kích cành lộc vươn dài, lóng to, lá dày).
Lá lộc chuyển màu bánh tẻ, tiếp tục tưới thúc đạm urê. Cây ra lộc dài 5 - 10cm, phun Atonik. Lặp lại chu kỳ tưới đạm, phun Atonik như trên trong 2 năm liên tiếp. Cây nhãn sẽ ra được 13 - 15 lứa lộc. Bọ tán có thể vươn rộng tới 3m, sang năm thứ 3 mỗi cây đã có thể cho khai thác 20 - 25kg quả.
Chú ý:
- Tăng dần lượng bón đạm urê từ 0,2kg/sào lên 0,5kg/sào vào cuối năm thứ 2.
- Ngoài tưới đạm urê, cần bón thêm 0,5kg bột đậu tương + 0,3kg lân supe/gốc/năm (rắc đều lân supe, bột đậu tương cách gốc 15 - 30cm tới mép hình chiếu tán cây, dùng màng nilon phủ kín phân, và phải đợi bột đậu tương lên mốc xanh mới cuốn dọn màng nilon, rồi vùi sâu phân trong đất).
- Phun Atonik kết hợp thuốc phòng trừ sâu bệnh (nếu có).
- Sau mỗi lần cành lộc chuyển màu bánh tẻ, cần cắt tỉa, tạo tán để cây phát triển cân đối dạng hình nấm. Và khống chế đỉnh tán cây cao không quá 3m, thuận tiện chăm sóc và thu hoạch.
- Đất vườn khô chỉ tưới đủ ẩm, không được tưới bão hòa đất. Định kỳ vét đất vun gốc tạo rãnh luống thoát nước trong vườn.
5. Điều khiển cây ra hoa đậu quả
Với cây nhãn thâm canh cao thì từ tuổi thứ 2 trở đi đã có thể khai thác quả.
Cách làm:
- Từ trung tuần tháng 9 (âm lịch): Dừng tưới nước, bón phân cho cây.
- Vào ngày Đông chí hàng năm, tiến hành khoanh vỏ cành kích cho cây phân hóa mầm hoa (nếu trước đó 10 - 15 ngày đã có cây đã nhú lộc, phải khoanh vỏ ngay, không cần đợi tới ngày Đông chí).
- Khoanh thân cây hoặc cành cây có đường kính 8 - 10cm.
- Vị trí khoanh: cách gốc cành 15 - 20cm.
- Dụng cụ khoanh: Cưa sắt.
- Cách khoanh: Tiện 1 vòng tròn khép kín (quanh thân/cành cây) làm đứt lớp vỏ bì, tượng tầng, chạm tới tầng sinh gỗ.
Sau khoanh vỏ xúc tiến bón gốc ngay. Lượng phân/gốc: 1kg bột đậu tương + 2-3kg phân hữu cơ vi sinh + 0,5 kg lân supe.
6. Chăm bón thời kỳ cây mang quả
Cây phân hóa mầm hoa đến quả non đạt đường kính 1cm, định kỳ 7 ngày/lần phun dưỡng quả bằng bón lá SWEED-RONG BIỂN 95%.
Khi hạt quả chuyển màu đen, bón nuôi quả/ 1 gốc: 0,5kg kali clorua + 1,5kg bột đậu tương + chế phẩm siêu lân.
Trước thu quả 20 ngày, tùy theo lượng quả lấy đi trên cây để định lượng phân bón cho cây. Nếu cây cho khai thác 70 - 100kg quả, lượng bón gốc là 1,5 - 2kg bột đậu tương + 3-4kg phân hữu cơ vi sinh + 0,7-1kg lân supe (lần bón này chủ yếu để nuôi lộc thu).
7. Phòng trừ sâu bệnh
Cắt tỉa nhãn thường xuyên, tạo sự thông thoáng cho vườn để giảm thiểu sâu bệnh hại.
- Phòng trừ sương mai, rệp muội, bọ xít và một số dịch hại khác bằng Ridomil (0,2%) + Sherpa (0,2%). Phun các thời điểm: Cây nhú lộc; lá bánh tẻ; giò hoa mới nhú; trước nở hoa 7 ngày và sau tắt hoa, đậu quả.
- Trừ bệnh thối rễ và lở cổ rễ khi cây nhãn có biểu hiện suy yếu, lá vàng rụng, rễ mủn, rễ thối đen: Xới xáo vùng gốc, vét rãnh sâu để khơi thông dòng chảy, hạ thấp mực nước ngầm vườn nhãn, kết hợp tưới gốc bằng Bassa 50EC + Ridomil 5G.
- Suốt giai đoạn nhãn mang quả tuyệt đối không sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật. Khống chế bệnh hại, làm sáng vỏ quả bằng chế phẩm Nano bạc. Phun định kỳ 15 ngày/lần. Lượng phun 60ml pha/ bình 16 -18 lít nước sạch. Có thể kết hợp bón lá SWEED-RONG BIỂN 95%.
8. Chăm sóc vườn sau thu hoạch 
Để năm sau cây nhãn tiếp tục ra hoa đậu quả, thì trong mùa thu năm trước cây nhãn phải có 2 lần ra lộc. Nên ngay khi cây kết thúc thu quả phải bón đạm urê ngay (vườn khô thì hòa nước tưới, vườn ẩm rắc vùi phân dưới lớp đất 5 - 10cm. Lượng đạm bón/cây đối với cây trên 5 tuổi 0,5 - 0,6kg.
Sau đó tiến hành cắt tỉa cành khô, cành gầm, cành vượt, cành sâu bệnh và cành mọc quá dày trong tán. Thu gom tiêu hủy tàn dư thực vật trong vườn. Quét vôi thân gốc. Tìm diệt sâu đục thân, đục cành qua lỗ mùn đùn trên thân (cành).
Khi cây ra lộc dài khoảng 10cm, phun Atonik kích dài cành lộc. Cành lộc chuyển màu bánh tẻ tiếp tục bón đạm urê, rồi phun Atonik khi lộc dài 10. Như vậy vườn nhãn đã ra 2 lần lộc thu.
Nhờ cách làm này, gia đình ông Nguyễn Phúc Hậu, thôn Quán Trạch, xã Liên Nghĩa (Văn Giang, Hưng Yên), mỗi năm thu đươc hơn 50 triệu đồng/sào nhãn.
Trung tâm giám định và chứng nhận hợp chuẩn hợp quy Vietcert

Đà Nẵng: 28 An xuân, Thanh Khê, Đà Nẵng
Hà Nội: 114 Trung Kính, Cầu Giấy, Hà Nội
Hồ Chí Minh: 102 Nguyễn Xí, Bình Thạnh, Hồ Chí Minh
Đăk Lăk : 12 Trần Nhật Duật, thành phố Buôn Mê Thuột
Cần Thơ: Khu Chung cư Hưng Phú 1, Đường A1, Cái Răng, Cần Thơ
Hải Phòng: Tòa nhà Thành Đạt, Thành phố Hải Phòng
Mr. Huyền: 0903 516 929 - 0961997338
Mail: vietcert.kinhdoanh60@gmail.com
-------
B.H.